Sử dụng điện mặt trời (ĐMT) trở thành xu hướng mới trong ngành năng lượng trên thế giới và cả nước ta. Ngoài việc giảm áp lực về nguồn cung lên ngành điện, nhất là trong điều kiện nắng nóng kéo dài trong mùa khô năm nay, sử dụng năng lượng này còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
Điện mặt trời đang được khai thác sử dụng phổ biến
Theo đánh giá tại báo cáo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, tỉnh Vĩnh Long có các yếu tố tự nhiên thuận lợi cho phát triển nguồn năng lượng ĐMT, nhất là điều kiện dồi dào về nhiệt, nắng và là khu vực có một số tiềm năng để phát triển ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm: ĐMT áp mái (công suất tiềm năng 724MW), ĐMT mặt đất (công suất tiềm năng 150MW) và ĐMT trên mặt nước (công suất tiềm năng 125MW).
Sử dụng ĐMT có nhiều lợi ích, như: giúp người dùng tiết kiệm chi phí sinh hoạt; người dùng tự chủ năng lượng, không còn phụ thuộc vào mạng điện lưới quốc gia và không bị gián đoạn hoạt động sản xuất hoặc làm việc khi mất điện; có tuổi thọ cao lên đến 25 năm và dễ dàng nâng cấp; chi phí bảo trì và bảo dưỡng cũng thấp; thời gian thu hồi vốn lắp đặt hệ thống ĐMT nhanh, thường chỉ từ 3-6 năm; các tấm pin năng lượng mặt trời có khả năng chống nắng và chống nóng tốt, góp phần tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà của bạn; góp phần bảo vệ môi trường.
Với tiềm năng và lợi ích đó, thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đến tỉnh liên hệ đăng ký thực hiện dự án ĐMT và đã có nhiều công trình có quy mô khác nhau được các tổ chức, hộ gia đình đầu tư xây dựng, lắp đặt.
Về các công trình ĐMT có quy mô lớn từ 50MWP trở lên, trước hết có thể kể đến hệ thống pin năng lượng mặt trời với 228 tấm pin được lắp đặt trên diện tích 650m2 (công suất hơn 12.000kWh điện) của Công ty Điện lực Vĩnh Long đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2017.
Kế đến là vào năm 2020, Cụm công nghiệp Trung Nghĩa (xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm) đã được đầu tư và đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư 1.108 tỷ đồng. Đây là cụm công nghiệp chuyên ngành năng lượng ĐMT, sản lượng điện hàng năm trên 71 triệu kWh, doanh thu bình quân đạt 100 tỷ đồng/năm.
Đáng kể nhất là tại cụm công nghiệp này, vào cuối năm 2020, Công ty TNHH MTV ĐMT VNECO- Vĩnh Long (nay là Công ty CP BCG Vĩnh Long) đã khánh thành nhà máy ĐMT trên diện tích hơn 47,9ha tại Ấp 3, xã Trung Nghĩa (Vũng Liêm) có tổng mức đầu tư 1.156 tỷ đồng với công suất lắp đặt là 49,3MW...
Gần đây nhất, vào ngày 18/3/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 489/QĐ-UBND thông qua kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Nhà máy ĐMT VNECO- Vĩnh Long” do Công ty CP BCG Vĩnh Long đầu tư xây dựng tại ấp Phú Tân và ấp Phú Ân, xã Trung Nghĩa có quy mô tương tự như nhà máy ĐMT tại Ấp 3, xã Trung Nghĩa (Cụm công nghiệp Trung Nghĩa). Nhà máy này sản xuất điện năng từ các tấm pin PV sau khi qua bộ biến tần Inverter sẽ có điện áp 22kV, sau đó qua các máy nâng áp lên 110kV để hòa vào lưới điện 110kV Vũng Liêm- Vĩnh Long và Long Đức- Trà Vinh...
Hiện nay, ĐMT được nhiều hộ gia đình, các tổ chức trong tỉnh khai thác, tạo ra nguồn điện có công suất nhỏ (dưới 50MWP) dùng thắp sáng nhà ở, đường xá, cơ sở, cơ quan, đơn vị... và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quy hoạch phát triển nguồn điện mặt trời
Theo Sở Công Thương tỉnh, để phát triển nguồn ĐMT, nhất là các nhà máy ĐMT có công suất lớn từ 50MW trở lên thì quy hoạch và các cơ chế, chính sách hỗ trợ là điều kiện tiên quyết và khả thi nhất để thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Hiện tại ở cấp độ quốc gia và cấp địa phương đã có các quy hoạch, như: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 hay còn gọi Quy hoạch điện VIII (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023) và Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ năm 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023), trong đó có quy hoạch phát triển ĐMT.
Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện ở nước ta. Nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới đạt từ 67,5-71,5% đến năm 2050.
Trong 2 quy hoạch này, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, có đề xuất các danh mục các dự án nguồn ĐMT như: Xây dựng các nhà máy ĐMT với tổng công suất 50MW; các nhà máy ĐMT kết hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao với tổng công suất 50MW, các nhà máy ĐMT kết hợp với nuôi trồng thủy sản có tổng công suất 100MW; cải tạo, nâng cấp đường dây 110kV mạch đơn trạm biến áp (TBA) 110kV Vũng Liêm- TBA 110kV ĐMT VNECO Vĩnh Long, lên dây dẫn tiết diện ACSR-300 (hoặc tương đương), chiều dài 35km; cải tạo, nâng cấp đường dây 110kV mạch đơn TBA 110kV điện mặt trời VNECO Vĩnh Long-TBA 110kV Long Đức, lên dây dẫn tiết diện ACSR-300 (hoặc tương đương), chiều dài 30km. Riêng ở giai đoạn 2026-2030 sẽ nghiên cứu một số dự án ĐMT với quy mô công suất khoảng 300MWp, dự kiến được đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 220kV Trà Vinh- Vĩnh Long 3.
Trước đó, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và báo cáo của một số doanh nghiệp tham gia dự án ĐMT trên địa bàn tỉnh thì văn bản này “chưa đủ mạnh, chưa rõ ràng, cụ thể” để thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư trên lĩnh vực phát triển ĐMT. Bên cạnh, hiện nay, lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo chưa được quy định trong các văn bản luật, nghị định và tỉnh Vĩnh Long cũng chưa ban hành cơ chế, chính sách riêng.
Do vậy, nhiệm vụ trước mắt hiện nay là, Chính phủ cần sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, khắc phục những bất cập, hạn chế quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg nhằm khuyến khích và huy động nguồn lực đầu tư hơn nữa để thúc đẩy phát triển ĐMT, trong đó cần quan tâm đến phát triển ĐMT mái nhà phục vụ cho hoạt động dân sinh và của các cơ quan, công sở, doanh nghiệp.
Các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thông thoáng, có hướng dẫn kỹ thuật, an toàn, giảm thuế cho các nhà sản xuất, nhập khẩu thiết bị ĐMT, hỗ trợ người dân khi mua sắm…
Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, tỉnh Vĩnh Long cần lập kế hoạch hay đề án chi tiết phát triển nguồn điện tái tạo nói chung, ĐMT nói riêng, trong đó xác định rõ, cụ thể về vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư của các dự án nguồn ĐMT để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia phát triển ĐMT trong tỉnh, góp phần giảm khó khăn về cung ứng điện trong thời gian tới.
Theo baovinhlong.com.vn